Thay thái độ đổi cuộc đời
Mục số 2, Thư bàn giao tuần thứ nhất trong cuốn The Master Key System – 24 Bài Học Thần Kỳ Nhất Thế Giới nói rằng:
Tâm trí có năng lực sáng tạo. Các hoàn cảnh, môi trường và tất cả các trải nghiệm trong cuộc sống đều là kết quả của thái độ quen thuộc, hay thái độ chiếm vị trí chủ đạo trong tâm trí chúng ta.
“Thái độ quen thuộc” là trạng thái cảm nhận thường xuyên của chúng ta về cuộc sống. Có rất nhiều cuốn sách nói về chủ đề này như: Attitude Is Everything – Thay thái độ đổi cuộc đời của tác giả Jeff Keller, cuốn Tạo Dựng Sự Khác Biệt của John C.Maxwell, và rất nhiều tác giả khác đã viết về chủ đề này với rất nhiều bằng chứng cũng như lý luận giải thích cho tầm quan trọng của Thái độ đối với cuộc sống của chúng ta.
Thái độ là cách chúng ta phản ứng với sự việc đang diễn ra trước mắt, quen thuộc là phản ứng thường xuyên của chúng ta có tính lặp lại. Là tâm thế của chúng ta trước những sự việc xảy ra xung quanh cuộc sống của mình.
Những người có thái độ sống tích cực luôn nhìn thấy phước lành trong mỗi thử thách, những người tiêu cực luôn thấy khó khăn trong mọi phước lành. Từ nhận thức đó đưa đến những phản ứng khác nhau trong cùng một hoàn cảnh. Những phản ứng khác nhau đó tạo nên những kết quả khác nhau. Đó chính là điều tạo nên khác biệt trong cuộc đời của mỗi người.
Vào khoảng 5h30 chiều ngày 10/12/1914, một vụ nổ long trời lở đất đã xảy ra ở West Orange, New Jersey, Mỹ. 10 tòa nhà bên trong nhà máy của nhà phát minh huyền thoại Thomas Edison, chiếm hơn một nửa khu vực này, đã bị nhấn chìm trong biển lửa.
Có khoảng 6-8 đội cứu hỏa đến tiếp cận hiện trường vụ nổ, nhưng ngọn lửa từ hỏa ngục được tiếp sức bởi khối hóa chất khủng khiếp đã nhanh chóng nuốt trọn tất cả.
Theo một bài viết trên tờ Reader’s Digest năm 1961 mà tác giả chính là Charles – con trai của Edison kể lại: Vào thời điểm đó, khi Charles chết lặng nhìn ngọn lửa phá hủy công sức của cha mình, Edison đã bình thản bước về phía cậu. Bằng một giọng trẻ con, Edison đã nói với cậu con trai 24 tuổi của ông rằng, “Hãy đi gọi mẹ của con và tất cả bạn bè của bà ấy. Họ sẽ không bao giờ nhìn thấy ngọn lửa lớn cỡ này một lần nào nữa”. Khi Charles phản đối, Edison nói: “Không sao đâu. Chúng ta chỉ vừa trút bỏ lượng lớn rác mà thôi”.
Sau đó, tại hiện trường đám cháy, câu nói của Edison đã được tờ New York Times trích dẫn lại, “Dù tôi đã 67 tuổi rồi, nhưng tôi sẽ bắt đầu tất cả lại vào ngày mai”. Ông nói với các phóng viên rằng ông đã mệt lử sau khi sự hỗn loạn được kiểm soát, nhưng ông sẽ vẫn giữ lời và ngay lập tức bắt tay xây dựng lại ngay vào sáng hôm sau mà không sa thải bất cứ nhân viên nào của mình.
Thomas Edison đã được cấp hơn 1000 bằng sáng chế khác nhau trong cuộc đời của ông ấy. Một trong những phát minh vĩ đại nhất chính là bóng đèn sợi đốt. Trong quá trình tìm kiếm chất liệu bán dẫn cho bóng đèn, ông đã trải qua hơn 1000 lần thất bại. Cho đến khi ông tìm ra Vonfram làm dây tóc cho bóng đèn, nhà báo đã phỏng vấn ông ấy rằng; Ông cảm thấy thế nào khi đã trải qua hơn 1000 lần thất bại để tìm ra vật liệu này. Ông ấy vui vẻ trả lời rằng, ông ấy chỉ đang loại bỏ những cách không phù hợp.
Tập trung vào những ý nghĩ mang tính xây dựng
Mục 20-21, thư bàn giao tuần thứ nhất trong cuốn The Master Key System – 24 Bài Học Thần Kỳ Nhất Thế Giới nói rằng:
20. Khi tâm trí này suy nghĩ đúng đắn, khi nó hiểu được sự thật, khi những ý nghĩ được gửi qua hệ thống thần kinh não tủy đến cơ thể của chúng ta mang tính xây dựng, thì những cảm giác này là dễ chịu – mang tính hài hòa.
21. Kết quả là, chúng ta xây dựng sức mạnh, sức sống, và tất cả lực lượng mang tính xây dựng vào trong cơ thể mình. Nhưng cũng chính thông qua tâm trí khách quan này mà mọi sự đau khổ, bệnh tật, thiếu thốn, hạn chế, cũng như mọi hình thức của sự bất hài hòa và mâu thuẫn được tiếp nhận vào cuộc sống của chúng ta. Có nghĩa là, thông qua suy nghĩ sai lầm của tâm trí khách quan, chúng ta sẽ liên kết với tất cả các lực lượng mang tính phá hoại.
Tư duy mang tính xây dựng sẽ luôn tìm giải pháp trong mọi vấn đề, ngược lại tư duy mang tính phá hoại sẽ tìm thấy vấn đề trong mọi giải pháp.
Suy nghĩ tiêu cực tạo nên niềm tin mù quáng,
Niềm tin mù quáng tạo nên những quyết định sai lầm,
Những quyết định sai lầm tạo ra những hành động sai trái,
Những hành động sai trái diễn ra liên tục tạo thành thói quen xấu,
Những thói quen xấu lại tạo ra những suy nghĩ tiêu cực.
Cuộc sống của chúng ta sẽ ở trong vòng luẩn quẩn đó, mãi không thoát ra được. Chỉ khi chúng ta mở rộng thế giới quan của mình, mở rộng nhận thức của chúng ta, bẻ gãy những niềm tin mù quáng. Theo cách nói của Nhà Phật là buông bỏ những chấp niệm và giải thoát tri kiến.
… có một hắc ám giữa các thế giới không có mái che, tạo ra tối tăm, tạo ra hắc ám; ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời – những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không chiếu sáng tới. – Kinh Nikaya
Đó chính là địa ngục, nơi đó là tâm u mê – tâm bám chấp – tâm cố thủ. Được ngụy trang dưới các hình thức: Sầu thương, bi ai, khổ đau, ưu tư, phiền não,… Tâm trí ấy bị bao phủ che chắn kỹ lưỡng bởi các bức tường của sự tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn và nghi ngờ,…
Đấng toàn năng chẳng ưu ái ai và cũng chẳng ruồng bỏ ai. Vũ trụ này có đủ nguyên liệu, chất liệu và nguồn cung cần thiết cho bất cứ ai muốn xây dựng thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Và cũng sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai có ý định phá hoại.
Có thể bạn sẽ nói rằng, tại sao những kẻ mang tư tưởng cai trị đưa bom đạn đi gây chiến, phá hủy cuộc sống yên bình ngoài kia lại không bị trừng phạt. Thậm chí những quốc gia hiếu chiến lại trở nên giàu có và hùng mạnh hơn. Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng sự tham lam, sân hận, si mê và kiêu mạn đã thôi thúc những kẻ đi xâm lược. Nhưng chiến tranh đôi khi lại là những giải pháp bất đắc dĩ để phá bỏ sự u mê, cố chấp, cổ hủ và lạc hậu… thay vào đó là những cải tiến mới mẻ hơn. Cuối cùng kẻ xâm lược phải chịu tổn thất, những kẻ bị xâm lược cũng nhờ đó mà thay đổi.