Tiểu thuyết Siddhartha: Câu chuyện dòng sông

201
0

3 bài học quý giá từ một Sa-môn

Như chúng ta đã biết, Siddhartha là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hermann Hesse, kể về cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời của nhân vật chính là Siddhartha, một người con trai trẻ trong vùng đồng bằng của Ấn Độ cổ đại.

Trong cuốn sách, Siddhartha tìm kiếm đến sự giác ngộ và trưởng thành tinh thần thông qua việc thực hành ba phẩm chất cốt lõi của một Sa-môn: Suy tư, Nhịn đói và Chờ đợi. Ba phẩm chất này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tìm kiếm sự giác ngộ của mình.

Phẩm chất đầu tiên là Suy tư

Siddhartha học cách suy nghĩ sâu sắc và cân nhắc mọi khía cạnh của cuộc đời. Suy tư giúp Siddhartha đánh giá cao những giá trị thực sự trong cuộc sống và tránh xa những điều vô nghĩa và tầm thường.

Phần lớn chúng ta bị cuốn theo guồng quay cuộc sống, của công việc, gia đình và xã hội. Cuộc sống của chúng ta dường như chỉ có một đường thẳng tịnh tiến từ khi sinh ra đến khi chết đi. Chúng ta “làm việc – tiêu sài rồi lại làm việc” quần quật vì những tiện nghi, rất ít sự lắng lại, rất ít sự băn khoăn về mục đích sống của chính mình.

Có những người luẩn quẩn với những suy tư quá độ đến mức rơi vào trầm uất. Nào là những hối tiếc về những gì đã qua, những lỗi lầm trong quá khứ của bản thân. Rồi lại đến những phát xét về cuộc sống của những người khác.

Hãy để cho Suy tư trở nên hữu ích trong cuộc sống của chúng ta bằng những băn khoăn về những ước mơ – khát vọng của bản thân, về đích đến cuộc đời. Hãy để cho những băn khoăn ấy dẫn dắt bản thân trải nghiệm cuộc sống này.

Phẩm chất thứ hai là Nhịn đói

Siddhartha học cách kiềm chế bản thân và sống đơn giản để tìm kiếm sự sáng suốt và bình an tâm hồn. Việc từ bỏ các đối tượng vật chất không cần thiết giúp Siddhartha tập trung vào những điều thực sự quan trọng.

Phần lớn khổ đau của chúng ta đến từ việc “cầu bất đắc”. Chúng ta muốn tiện nghi, nhưng tiện nghi không tới và chúng ta đau khổ. Chúng ta muốn được ăn ngon, chúng ta muốn mặc đẹp, chúng ta chiều chuộng ham muốn bản thân mình và cho rằng đó là cuộc sống xứng đáng.

Một số người chỉ vì không chịu được cái bụng đói mà chấp nhận làm một công việc nặng nhọc để kiếm sống, một số khác không chịu được sự thiếu thốn mà làm việc bất nghĩa. Tâm trí của chúng ta bị trói buộc bởi nhu cầu quá cao của bản thân.

“Bệnh từ miệng mà vào”, ăn uống quá độ sinh ra đủ thứ bệnh tật, rồi lại tìm cách chạy chữa. Một vòng luẩn quẩn khiến Tâm trí không còn tỉnh táo, không còn thời gian để suy tư. Vì những cái lợi nhỏ trước mắt mà đánh mất những trải nghiệm sống khác.

“Có Thực mới vực được Đạo”: Đức Phật Thích Ca sau 6 năm tu khổ hạnh không ăn không uống suốt thời gian dài trong rừng già nhưng không đạt tới giác ngộ hoàn toàn, cho đến khi được cứu sống bởi những giọt sữa Dê của cô thôn nữ. Từ đó Ngài chọn đi con đường trung đạo, nhưng mỗi ngày Ngài chỉ ăn một bữa.

Đừng để cho bản thân quá kiệt quệ, nhưng cũng đừng quá chiều chuộng nó. Thời gian chuẩn bị cho cái ăn cái mặc ít lại thì thời gian trải nghiệm cuộc sống sẽ trở nên dài ra.

Phẩm chất thứ ba là Chờ đợi

Siddhartha học cách kiên trì chờ đợi, việc chờ đợi giúp Siddhartha không nản lòng dưới áp lực của thời gian hay những trở ngại.

“Khi chúng ta đã nỗ lực hết mình, việc còn lại hãy giao cho Thượng đế”, hãy tin tưởng vào vũ trụ, tin tưởng rằng vũ trụ đang mang những trải nghiệm tuyệt vời nhất đến với chúng ta. Những điều lớn lao thường sẽ đến muộn bởi sự cản trở của những thứ tầm thường.

Chậm lại một nhịp trước những cơ hội mười mươi, có thể sẽ khiến chúng ta chỉ còn 7-8 phần may mắn, nhưng đồng thời cũng giúp chúng ta loại bỏ 2-3 phần rủi ro chí mạng không đáng có.

Chờ đợi và Trì hoãn là hoàn toàn trái ngược, trì hoãn làm chậm sự khởi đầu trong khi chờ đợi là kết thúc của một hành trình nỗ lực. Chờ đợi là cho phép những điều thần kỳ có thể xảy đến, nhưng trì hoãn ngăn cản việc chúng ta đến với những trải nghiệm thú vị.

Cuộc đời của Siddhartha có vẻ như chìm đắm trong dục lạc và lợi dưỡng. Nhưng giữa những dục lạc và lợi dưỡng ấy vẫn còn một thứ gì đó rất sáng suốt. Một “tánh giác” luôn canh chừng cẩn mật ngôi đền tư tưởng, để rồi một lần nữa nó đưa ông ấy trở lại với “dòng sông” tỉnh thức.

Chúng ta bước qua cuộc đời với đủ cung bậc hỷ – nộ – ái – ố – tham – sân – si – mạn – nghi… nhưng sâu thẳm bên trong chúng ta vẫn luôn còn đó Hạt giống Bồ đề đang đợi đơm hoa kết trái. Không có cuộc đời nào là sai trái, cũng không có cuộc đời nào là hư hoại khi chúng ta biết chậm lại để có những suy tư sâu sắc về cuộc đời mình.

The Master Key System
WRITTEN BY

The Master Key System

Là những người yêu tri thức, chúng tôi muốn mang đến cho mọi người cơ hội tiếp cận với những trí tuệ vĩ đại. Làm giàu nhận thức của bản thân, kiến tạo cuộc sống thịnh vượng.

Để lại một bình luận