Hỏi & Đáp với tác giả 24 Bài Học Thần Kỳ Nhất THế Giới – Charles Francis Haanel

341
0

Phần này là không thể thiếu và cần được nghiên cứu nghiêm túc giống như bất kỳ chương nào trong phần nội dung chính cuốn sách The Master Key System của Charles F. Haanel.

Quả thực, đây là phần điểm lại toàn bộ cuốn sách, nhưng ở đây có nhiều nhận định sâu sắc và súc tích giúp làm sáng tỏ hoàn toàn những gì mà bạn đã học được.

Độc giả hỏi: Khi đề cập đến tâm trí tiềm thức và tâm trí có ý thức, hay cái khách quan và cái chủ quan, thì cách diễn đạt nào sau đây là chính xác, “Chúng ta có hai tâm trí riêng biệt nhưng có liên quan với nhau” hay “Chúng ta có một tâm trí với hai chức năng riêng biệt?”

Haanel Đáp: Cách diễn đạt đúng là: “Chúng ta có một tâm trí với hai chức năng riêng biệt”. Không có hai tâm trí.

Độc giả hỏi: Có phải ác quỷ trong tôn giáo, cái tiêu cực trong khoa học và cái xấu xa trong triết học chỉ là những biểu hiện trong tưởng tượng của năng lượng tư duy, hay chúng ta nên xếp chúng vào nhóm những sự biểu hiện sai lầm nhưng có thật? Nếu bản thân chúng ta, tất cả những gì mà chúng ta đang có, và toàn bộ các sức mạnh của chúng ta đều đến từ một nguồn vĩnh cửu, thì chúng ta phải quy những thực thể tưởng tượng này cho cái gì?

Haanel đáp: Đây không phải là những thực thể tưởng tượng. Chúng chỉ đơn giản là những sự bóp méo. Nếu bạn dùng điện năng để thắp sáng, khi đó bạn nói điện năng là cái tốt. Nếu bạn cầm một sợi dây không được cách điện đúng cách và nó khiến bạn thiệt mạng, thì không thể vì lý do này mà nó trở thành cái xấu hay cái ác.

Vấn đề ở đây chỉ đơn giản là bạn đã bất cẩn hoặc không hiểu biết về quy luật của dòng điện. Cũng với lý do tương tự, Sức mạnh Vô hạn duy nhất, nguồn gốc của mọi sức mạnh, có thể biểu hiện trong cuộc sống của bạn dưới dạng tốt hoặc xấu tùy theo việc bạn sử dụng nó theo cách xây dựng hay phá hoại.

Độc giả hỏi: Có phải ý tưởng về “Chúa” trong The Master Key System thuộc chủ nghĩa phiếm thần không?

Haanel đáp: Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quan niệm của bạn về thuyết phiếm thần. Thuyết phiếm thần là một thuật ngữ rộng và có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.

Ví dụ, thuyết phiếm thần quan niệm vũ trụ là một quá trình tiến hóa vĩnh cửu, không tự nguyện của một Thực thể Vô hạn; điều này tương phản với thuyết vô thần bởi vì thuyết vô thần phủ nhận sự tồn tại của Chúa ở trong vạn vật; nó cũng khác với thuyết bất khả tri bởi vì thuyết bất khả tri là sự nghi ngờ giáo điều về sự tồn tại của Chúa.

Độc giả hỏi: Điều này có đúng không?

Haanel đáp: Sự thật là tuyệt đối, nhưng quan niệm về sự thật thay đổi tùy theo ý thức của mỗi cá nhân. Do đó, không ai có thể nói rằng họ đã tìm thấy sự thật tuyệt đối, bởi vì không ai có thể biết khi nào thì ý thức cá nhân đã phát triển đến ngưỡng không thể phát triển hơn nữa.

Đúng vậy, sự thật là tuyệt đối, nhưng quan niệm về sự thật thay đổi tùy theo ý thức của cá nhân. Mặt khác, sự thật không phải là vấn đề về niềm tin, mà là vấn đề về sự chứng thực. Đó không phải là vấn đề về thẩm quyền, mà là vấn đề về nhận thức.

Độc giả hỏi: Bởi vì cái “tôi” thực sự thuộc về tinh thần nên nó là hoàn hảo, nó “kiểm soát và điều khiển cả thể xác lẫn tâm trí”, vậy thì vì sao chúng ta lại thấy những kết quả không hoàn hảo như vậy?

Haanel đáp: Chúng ta không nhìn thấy những kết quả không hoàn hảo. Chúng ta không thấy bất kỳ điều gì ngoài sự hoàn hảo. Sự hoàn hảo có nghĩa là Luật vận hành với độ chính xác bất biến. Luật về tinh thần luôn luôn vận hành hoàn hảo. Nếu cá nhân tư duy theo hướng xây dựng, thì kết quả mà anh ta thu về sẽ mang tính xây dựng và hài hòa.

Nếu cá nhân tư duy theo hướng phá hoại, thì anh ta sẽ thu hoạch chính những gì mà anh ta đã gieo xuống. Luật này hoạt động một cách hoàn hảo. Chúng ta không trông thấy bất kỳ kết quả không hoàn hảo nào. Chúng ta có thể tự do lựa chọn những điều mà chúng ta tư duy, nhưng kết quả của sự tư duy này chịu sự chi phối của một quy luật bất biến.

Độc giả hỏi: Sự sống là gì?

Haanel đáp: Sự sống là phẩm chất hay nguyên tắc của Năng lượng Phổ quát được biểu hiện trong cái gọi là các đối tượng hữu cơ như sự tăng trưởng và hoạt động tự nguyện. Thường thì sự sống cùng tồn tại ở một mức độ nào đó với sự biểu hiện của Năng lượng Phổ quát trên cương vị là phẩm chất hay nguyên tắc của cái gọi là trí thông minh. Bạn phải hiểu rằng chỉ có một Nguyên tắc Tối cao, nằm ngoài mọi sự hiểu biết về bản chất thiết yếu của nó. Nó là cái Tuyệt đối.

Con người chỉ có thể tư duy ở góc độ tương đối. Do đó, đôi khi con người định nghĩa cái Tuyệt đối đó là Trí tuệ Phổ quát, Chất liệu Phổ quát, Không gian, Sự sống, Tâm trí, Tinh thần, Năng lượng, Sự thật, Tình yêu… Định nghĩa cụ thể của con người về nó trong bất kỳ thời điểm nào đều chịu sự chi phối của mối quan hệ cụ thể giữa các hiện tượng mà qua đó con người suy nghĩ về Nguyên tắc này tại thời điểm đó.

Độc giả hỏi: Luật chi phối sự thành công hay sự thịnh vượng được đưa vào vận hành như thế nào?

Haanel đáp: Bộ não của con người là cơ chế tinh tế nhất và sống động nhất tồn tại trên thế giới. Mỗi khi bạn tư duy, nghĩa là bạn đang gửi đi một thông điệp ở dạng năng lượng vô hình mà từ đó và nhờ đó vạn vật được tạo ra. Hành vi này sẽ kích hoạt một chuỗi nhân quả liên quan đến những điều tương ứng với hình ảnh trong tư duy của bạn. Nếu tư duy của bạn đủ tinh tế và tập trung, thì bạn sẽ nhanh chóng được đặt vào trong sự hòa hợp với đối tượng tư duy của mình; nếu không, bạn sẽ cần thêm thời gian.

Hầu hết mọi người đều bận rộn tập trung vào sự thiếu thốn, hạn chế, mất mát và mọi điều kiện bất hài hòa, vì thế họ cũng đồng thời thu hút những điều kiện này xảy đến với mình. Rất ít người tập trung suy nghĩ về sự thành công, thịnh vượng cùng những điều kiện hài hòa nói chung, và họ nhận thấy rằng môi trường của họ phản ánh đúng phẩm chất tư duy của họ.

Độc giả hỏi: Lời cầu nguyện được đáp lại như thế nào?

Haanel đáp: Tâm trí Phổ quát, Sức mạnh Toàn năng, Đấng Tối cao, không làm thay đổi phương thức hoạt động của vũ trụ để tuân theo các yêu cầu của chúng ta. Nó cũng không tạo ra ngoại lệ, nhưng nó hành động thông qua các quy luật đã được biết đến rộng rãi và các quy luật này có thể được đưa vào vận hành, một cách có ý thức hoặc vô thức, do tình cờ hoặc do chủ ý.

Chính sự vận hành của Luật Hấp dẫn kỳ diệu này đã khiến con người thuộc mọi lứa tuổi và ở mọi thời đại tin rằng hẳn phải có một thực thể cá nhân đáp ứng những lời khẩn cầu của họ và điều khiển các sự kiện nhằm đáp ứng các nhu cầu của họ.

Độc giả hỏi: Ông đã nhận định rất chính xác rằng: “Sự sở hữu phụ thuộc vào việc sử dụng”. Làm thế nào để giải thích thực tế này một cách hiệu quả nhất, qua đó cho thấy rằng đây là cách duy nhất để có được “nguồn sức mạnh, sở hữu…” mà chúng ta có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và các trường hợp khác?

Haanel đáp: Thông qua những ví dụ minh họa: Một người muốn đôi tay mình trở nên khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, anh ta không bảo tồn sức mạnh hiện tại của đôi tay bằng cách khư khư giữ cánh tay ở bên mình. Nếu làm như vậy, anh ta sẽ sớm mất đi sức mạnh đang có. Ngược lại, anh ta bắt đầu tích cực sử dụng đôi tay, bắt đầu luyện tập, và anh ta thấy rằng càng sử dụng đôi tay nhiều, anh ta càng có thêm sức mạnh. Nghĩa là càng cho đi sức mạnh của mình, thì anh ta càng lấy về nhiều sức mạnh hơn. Quy tắc này cũng áp dụng với sức mạnh tâm trí và tinh thần.

Độc giả hỏi: “Nếu không chịu tư duy, chúng ta sẽ phải làm việc, và càng ít vận động tư duy, chúng ta sẽ càng phải làm việc nhiều, càng ít nhận được kết quả từ công việc của chúng ta”. Liệu có thể hình dung về một thế giới không có người lao động chân tay không?

Haanel đáp: Tư duy đã khiến sự lao động trở nên bớt cực nhọc hơn nhiều, nhưng phần lớn cái gọi là “quản lý khoa học” và “các hệ thống kỹ thuật và tăng cường hiệu suất” đều coi hàng triệu con người như những cỗ máy đơn thuần có khả năng thực hiện một số lượng nhất định các thao tác trong mỗi giờ.

Lao động là phục vụ và mọi sự phục vụ đều đáng trân trọng. Nhưng người “lao động chân tay” chỉ suy xét đến sự phục vụ mù quáng thay vì phục vụ thông minh. Lao động là sự biểu hiện của bản năng sáng tạo. Do những sự thay đổi đã và đang diễn ra trong thế giới công nghiệp, nên bản năng sáng tạo không còn tìm được chỗ biểu hiện nữa. Một người không thể tự xây nhà, anh ta thậm chí còn không thể tự làm vườn, anh ta không thể chỉ đạo sức lao động của mình.

Do đó, anh ta bị tước đi niềm vui lớn nhất mà con người có thể hưởng thụ, đó là niềm vui của thành tựu, của sáng tạo, của sự thành công, vì thế sức mạnh to lớn này bị bóp méo và biến thành các kênh mang tính phá hoại. Cá nhân không thể xây dựng được gì cho bản thân nên anh ta bắt đầu phá hoại công trình của những người khác may mắn hơn mình.

Tuy nhiên, qua lao động chúng ta phát hiện ra rằng vũ trụ không phải là một không gian hỗn loạn mà là một vũ trụ, rằng nó chịu sự chi phối của các quy luật bất biến, rằng mọi điều kiện xuất hiện đều là kết quả của một nguyên nhân, rằng cùng một nguyên nhân luôn tạo ra cùng một kết quả, rằng những nguyên nhân này là tinh thần, rằng suy nghĩ định trước hành động. Chúng ta cũng nhận thấy rằng tư duy mang tính xây dựng sẽ tạo ra những điều kiện mang tính xây dựng, còn tư duy mang tính phá hoại sẽ mang đến những điều kiện mang tính phá hoại.

Độc giả hỏi: Ông nói rằng: “Cuộc sống là sự khai mở, không phải là quá trình bồi tụ dần dần. Những gì đến với chúng ta ở thế giới bên ngoài cũng chính là những gì mà chúng ta vốn đã sở hữu ở thế giới bên trong”. Phải chăng ông đã không tính đến tri thức mà một người lĩnh hội được từ sách vở, kinh nghiệm…?

Haanel đáp: Bạn hoàn toàn không thể thu được lợi ích gì từ sách vở, kinh nghiệm, môi trường sống, hay bất kỳ thứ gì khác nếu như bạn chưa tạo ra được các tế bào não có khả năng tiếp nhận tư duy. Thế giới bên trong của bạn là sự tương ứng chính xác với thế giới bên ngoài của bạn. Giả sử lúc này bạn chưa biết tiếng Hebrew.

Có người trao cho bạn một cuốn sách trong đó trình bày những tư tưởng đẹp đẽ nhất bằng thứ ngôn ngữ tuyệt vời nhất, nhưng điều đó cũng không có ý nghĩa gì đối với bạn nếu như bạn không biết tiếng Hebrew.

Điều này cũng đúng với mọi chuyện khác. Không có tư tưởng, ý tưởng, hay kinh nghiệm nào có giá trị đối với chúng ta khi mà chúng ta chưa có khả năng tiếp nhận nó. Cũng vì lý do này mà với cùng một ý tưởng nhưng nó có thể không tạo được ấn tượng nào đối với một người A trong khi lại mang đến sự kinh ngạc và niềm vui sướng cho người B. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi vì người A chưa hình thành được các tế bào não có khả năng tiếp nhận ý tưởng đó. Ngược lại, người B đã sẵn sàng để tiếp nhận nó. Anh ta hiểu những cái hay ẩn chứa trong ý tưởng đó.

Độc giả hỏi: Có đúng không khi nói rằng tôn giáo chân chính và khoa học chân chính là “cặp song sinh”, và rằng khi cái này chết thì cái kia cũng chết theo? Tại sao?

Haanel đáp: Khoa học chân chính và tôn giáo chân chính chắc chắn là cặp song sinh. Cả hai đều không thể chết, bởi vì những điều chân chính không thể chết. “Đặc điểm cơ bản của sự thật là sự trung thành kiên định với trật tự và luật. Tâm trí sẽ cảm thấy khó chịu trước những hiện tượng trải nghiệm ở cả thế giới bên trong lẫn thế giới bên ngoài có thể thu hẹp lại sự ổn định và nhất quán mà nó coi là bản chất của sự thật”.

Bạn sẽ thấy rằng điều này áp dụng cho cả khoa học và tôn giáo. Điều gì đúng trong khoa học chắc chắn sẽ đúng trong tôn giáo. Không thể có một sự thật khoa học và một sự thật tôn giáo tồn tại song song với nhau. Tất cả sự thật là một và không thể chia cắt.

Độc giả hỏi: Làm thế nào chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh đạt được sự hài hòa trong The Master Key System?

Haanel đáp The Master Key System dạy rằng chỉ có một Nguyên tắc, hay một Sức mạnh. Rằng vạn vật đang tồn tại đều là sự vật chất hóa của Sức mạnh duy nhất này. Bản thân sức mạnh thuộc về lĩnh vực tinh thần, nhưng sự biểu hiện của sức mạnh lại thuộc về thế giới vật chất. Một bên mang tính chủ quan, còn một bên mang tính khách quan.

Đây là hai khía cạnh của một hữu thể. Chúng ta có thể nhận thấy điều này ở mọi nơi trong tự nhiên. Con người là một thực thể tinh thần, nhưng con người cũng có một cơ thể vật chất. Tinh thần phải biểu hiện trên bình diện khách quan theo cách khách quan. Nhìn nhận từ góc độ này, thuyết duy linh không liên quan gì đến những gì thường được coi là các hiện tượng tâm linh.

Độc giả hỏi: Có thể giải thích như thế nào về thực tế rằng đại đa số dân chúng không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên khắp châu Âu đều đã chán ghét chiến tranh và họ chỉ mong muốn hòa bình, được quay trở về với các điều kiện sung túc bình thường, thế nhưng sự trở lại của các điều kiện sung túc bình thường như họ mong muốn lại là một quá trình đang diễn ra vô cùng chậm chạp và khó khăn như hiện nay?

Haanel đáp: Tất nhiên, như bạn nói, không ai mong muốn chiến tranh tiếp tục diễn ra cả, cũng như không ai mong muốn sự nghèo đói, tội ác, hoặc bất kỳ điều kiện mang tính phá hoại nào khác. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có một khao khát có ý thức hoặc trong tiềm thức về những điều gây ra chiến tranh, sự hủy hoại, nghèo đói, tội ác, và chính lòng ham muốn quyền lực hoặc gây chia rẽ này là vấn đề đã quen thuộc.

Luật không thiên vị ai cả. Điều này là đúng đối với các quốc gia cũng như các cá nhân. Cuối cùng các quốc gia cũng như các cá nhân sẽ học được rằng vũ lực luôn được đáp trả bằng vũ lực tương đương, nếu không muốn nói là vũ lực cao hơn. Và vì lý do này mà chúng ta không nên cho rằng đây là yếu tố quyết định trong bất kỳ tình huống nào.

Sự hài hòa trong thế giới khách quan chỉ có thể xuất hiện trên cương vị là kết quả của sự hài hòa trong thế giới chủ quan, và sự hài hòa trong thế giới chủ quan chỉ có thể xuất hiện trên cương vị là kết quả của tầm nhìn, sự hiểu biết và nhận thức.

Độc giả hỏi: Trong đỉnh cao thành tựu mà The Master Key System nhắm đến, làm sao có thể bỏ qua Thần học?

Haanel đáp: Vài thế kỷ trước, người ta cho rằng chúng ta phải lựa chọn giữa Kinh Thánh và Galileo. Năm mươi năm trước, người ta cho rằng chúng ta phải lựa chọn giữa Kinh Thánh và Darwin. Nhưng như Dean W. R. Inge ở Nhà thờ Thánh Paul tại London nói: “Tất cả những người có học thức đều biết rằng các sự kiện chính trong quá trình tiến hóa hữu cơ đã được thiết lập vững chắc, và rằng chúng hoàn toàn khác với những truyền thuyết mà người Do thái cổ đại vay mượn từ người Babylon.

Chúng tôi không bắt buộc phải cưỡng ép lý trí của mình bằng cách bác bỏ các kết quả đã được chứng thực của nền nghiên cứu hiện đại. Cơ-đốc giáo truyền thống cần phải được đơn giản hóa và đưa vào lĩnh vực tinh thần. Hiện tại nó đang bị nền khoa học tồi tệ làm vướng chân, bị nền kinh tế tồi tệ châm biếm, và càng tin tưởng vào thực tế này, chúng ta càng ít phải đánh cược đức tin của mình vào những điều mê tín dị đoan vốn là thứ tôn giáo của kẻ phi tôn giáo và khoa học của kẻ phi khoa học.

Độc giả hỏi: Ý nghĩa của nhận định: “Chỉ 5% con người có tầm nhìn có thể đưa họ vào vị trí chiến lược, để họ có thể nhìn và cảm nhận một điều trước khi nó xảy ra?”

Haanel đáp: 95% loài người đang bận rộn tìm cách thay đổi kết quả. Có điều gì đó xảy ra mà họ không thích và họ cố gắng thay đổi tình hình đó. Và chẳng mấy chốc, họ sẽ nhận ra rằng chẳng qua họ chỉ đi từ hình thức đau khổ này sang hình thức đau khổ khác mà thôi. 5% còn lại đang bận rộn với các nguyên nhân.

Họ biết rằng để có thể thực hiện bất kỳ sự thay đổi lâu dài nào, thì cái mà họ cần phải tìm kiếm chính là nguyên nhân. Họ sớm nhận ra rằng nguyên nhân nằm trong tầm kiểm soát của họ. Đó là 5% thực hiện quá trình tư duy, còn 95% kia chỉ đơn giản là chấp nhận sự tư duy của người khác. Chỉ những người biết suy nghĩ mới có thể nhìn thấy và cảm nhận được một sự việc trước khi nó xảy ra.

Độc giả hỏi: Có thể hiểu như thế nào về thuật ngữ “tính phân cực” khi được áp dụng cho quá trình trong tâm trí?

Haanel đáp: Sự phân cực là xu hướng hoặc khuynh hướng của một tư duy hoặc cảm giác theo một hướng cụ thể. Khi chúng ta liên tục tư duy theo một hướng nhất định, thì khi đó tư duy sẽ bị phân cực. Lúc này, chúng ta sẽ khó hoặc hoàn toàn không nhìn được những góc nhìn khác.

Độc giả hỏi: Sự thật là gì?

Haanel đáp: Sự thật là điều kiện bắt buộc của hạnh phúc toàn diện. Chắc chắn là việc biết sự thật và tự tin đứng vững trên đó sẽ mang lại cho chúng ta một sự hài lòng không gì sánh được. Sự thật là sự xác thực cơ bản, là điều kiện tiên quyết trong mọi mối quan hệ kinh doanh hoặc xã hội. Sự thật là nền tảng vững chắc duy nhất trong một thế giới đầy rẫy những sự xung đột, nghi ngờ, và nguy hiểm.

Mọi hành động không phù hợp với sự thật, cho dù là do thiếu hiểu biết hay có chủ ý, đều triệt tiêu hiệu quả và dẫn đến sự bất hòa, những mất mát không thể tránh khỏi, và sự nhầm lẫn. Lý do ở đây là, trong khi những người khiêm tốn nhất có thể dự đoán chính xác kết quả của mọi hành động đúng đắn, thì những người có đầu óc vĩ đại nhất, sâu sắc nhất, và nhạy bén nhất có thể lạc đường trong vô vọng và không thể hiểu về các kết quả do họ xa rời các nguyên tắc đúng đắn.

Độc giả hỏi: Mầm mống được tạo ra như thế nào?

Haanel đáp: Sự sáng tạo nằm ở nghệ thuật kết hợp các lực lượng hấp dẫn lẫn nhau theo tỉ lệ thích hợp, giống như oxy và hydro kết hợp với nhau theo tỉ lệ thích hợp và tạo ra nước. Cả oxy và hydro đều là khí vô hình nhưng nước lại là thứ hữu hình có thể nhìn thấy được.

Tuy nhiên, mầm mống có sự sống; do đó chúng phải là sản phẩm của một thứ gì đó có sự sống hoặc trí thông minh. Tinh thần là Nguyên tắc Sáng tạo duy nhất trong vũ trụ, và Tư duy là hoạt động duy nhất mà tinh thần sở hữu. Do đó, mầm mống phải là kết quả của một quá trình trong tâm trí.

Một ý nghĩ xuất phát từ người suy nghĩ, nó gặp gỡ những ý nghĩ khác mà nó yêu mến; những ý nghĩ này kết hợp lại và tạo thành hạt nhân cho những ý nghĩ tương tự khác. Hạt nhân này gửi đi các lời kêu gọi vào dòng năng lượng vô hình, nơi lưu giữ tất cả các ý nghĩ và vạn vật. Không lâu sau, ý nghĩ đó sẽ được khoác lên mình một hình thức phù hợp với đặc tính mà người suy nghĩ đã gán cho nó.

Một triệu con người đang chịu nỗi thống khổ của cái chết và sự tra tấn trên chiến trường đã gửi đi những ý nghĩ về lòng thù hận và đau khổ; không lâu sau, một triệu người khác chết vì ảnh hưởng của một loại vi trùng gọi là “cúm”. Chỉ duy nhất nhà siêu hình học có kinh nghiệm mới biết rõ loại vi trùng chết người này xuất hiện vào khi nào và bằng cách nào.

Bởi vì có vô số ý nghĩ khác nhau nên cũng có vô số loại mầm mống khác nhau, trong đó có cả loại mang tính xây dựng cũng như loại mang tính phá hoại. Nhưng dù mang tính xây dựng hay phá hoại thì những mầm mống này cũng chỉ có thể nảy nở và phát triển khi nó tìm được mảnh đất thích hợp để bén rễ.

Độc giả hỏi: Điều gì đã làm nảy sinh ý tưởng về sự tái sinh?

Haanel đáp: Huyết tương mầm trong mỗi thế hệ luôn chứa tổng số tất cả những gì thuộc về các thế hệ trước đó. Nhân của mọi tế bào đều chứa nhiễm sắc thể và các nhiễm sắc thể này sinh ra các giống loài, bản chất, cùng điều kiện theo quy luật tương ứng.

Mỗi nhiễm sắc thể mặc dù nhỏ vô cùng nhưng đều chứa các yếu tố của mọi tế bào khác tạo thành nhiều loại tế bào trong một cơ thể trưởng thành, cộng với các đặc điểm của giống loài, các đặc điểm về hình thức và ngoại hình, sự tương đồng trong gia đình, bản chất, tâm trí, những khuynh hướng trưởng thành, cùng với tất cả những gì tạo nên nhân cách và cá tính riêng.

Như vậy, về mặt cơ thể, chúng ta giống hệt với tổ tiên của mình, cộng với môi trường và giáo dục. Chính sự tồn tại bền bỉ về bản sắc của từng nhiễm sắc thể từ thế hệ này sang thế hệ khác đã làm nảy sinh ý tưởng về sự tái sinh.

Độc giả hỏi: Tà thuật là gì?

Haanel đáp: Quan điểm có tồn tại các hiện tượng gọi là tà thuật xuất phát từ sự cả tin, mê tín, và thiếu hiểu biết về các quy luật chi phối trong thế giới tâm trí. Tất cả những ý nghĩ và vạn vật đều được lưu giữ trong Tâm trí Phổ quát. Cá nhân có thể mở các cánh cửa tâm trí của mình để tiếp nhận mọi loại ý nghĩ khác nhau.

Nếu anh ta nghĩ rằng có tồn tại các phù thủy luôn tìm cách hại người, thì khi đó anh ta sẽ mở cánh cửa để tiếp nhận những ý nghĩ như vậy, và lúc này anh ta có thể nói rằng: “Những điều mà tôi lo sợ đã xảy đến với tôi”.

Ngược lại, nếu anh ta nghĩ rằng có những người mong muốn giúp đỡ anh ta, thì khi đó anh ta sẽ mở ra cánh cửa để tiếp nhận sự giúp đỡ như vậy, và lúc này anh ta sẽ thấy rằng câu nói “Niềm tin của con là gì, thì điều đó sẽ xảy đến với con” luôn luôn đúng, dù là ở hiện tại hay ở cách đây hai nghìn năm.

Độc giả hỏi: Có lẽ tôi vẫn chưa hiểu được một cách tường tận về việc ứng dụng luật rung động vào thế giới tư duy. Chẳng hạn, làm thế nào để chúng ta thay đổi vận tốc rung động? Nên thay đổi nó theo hướng nào để tạo ra kết quả tốt nhất?

Haanel đáp: Mọi ý nghĩ đều làm thay đổi vận tốc rung. Khi bạn có khả năng suy nghĩ lớn hơn, sâu sắc hơn, cao cả hơn, và mạnh mẽ hơn, khi đó các tế bào não sẽ được tinh lọc, chúng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và chúng có thể tiếp nhận những sự rung động tốt hơn.

Điều này không chỉ đúng trong thế giới tinh thần và tâm trí mà còn đúng trong thế giới vật chất. Khi tai chúng ta được rèn luyện về âm nhạc, nó sẽ có thể tiếp nhận những sự rung động tinh tế hơn; và người nhạc sĩ được đào tạo bài bản có thể nghe thấy được sự hài hòa của âm thanh mà người bình thường hoàn toàn không nhận thức được.

Độc giả hỏi: Giữa các điều kiện dường như hỗn loạn ngày nay, có thể dễ dàng nhận ra được sự xuất hiện của buổi bình minh mà tất cả các đấng vĩ nhân trên thế giới đã tiên đoán, ngày Chúa quang lâm, hay Thiên niên kỷ không?

Haanel đáp: Một trong những dấu hiệu đặc trưng cho sự thức tỉnh của nhân loại là niềm lạc quan tỏa sáng xuyên qua màn sương của sự nghi ngờ và bất ổn. Niềm lạc quan này biểu hiện trong hình thức của sự khai sáng; và khi sự khai sáng lan rộng, thì những nỗi sợ hãi, giận dữ, nghi ngờ, ích kỷ và tham lam sẽ biến mất.

Chúng ta không tìm kiếm Chúa Hài đồng, mà tìm kiếm ý thức của Chúa – chúng ta đang mong đợi có nhiều người hơn nhận thức về sự thật sẽ giải phóng con người. Rất khó có khả năng chỉ có một người đầu tiên nhận thức được sự thật này trong kỷ nguyên mới; đã có nhiều bằng chứng cho thấy sẽ có nhiều người cùng thức tỉnh trước ánh sáng của sự khai sáng.

Độc giả hỏi: Ông nói về tâm trí khởi sinh đã hình thành, nuôi dưỡng, duy trì, và tạo ra vạn vật. Điều này có thể giải thích cho nguồn gốc khiến con người có thể nghĩ đến sự thiếu thốn, chiến tranh và tội ác… không?

Haanel đáp: Đúng vậy, điều này bao gồm cả khả năng của con người trong việc suy nghĩ đến sự thiếu thốn, chiến tranh và tội ác. Nếu con người có thể nghĩ đến những ý nghĩ mang tính xây dựng thì anh ta cũng có thể nghĩ đến những ý nghĩ mang tính phá hoại. Nhưng ngay khi con người biết rằng tư duy là một quá trình sáng tạo, rằng chúng ta là những bậc sáng tạo chứ không phải là những đối tượng được sáng tạo ra, thì khi đó anh ta sẽ ngừng quá trình tư duy hủy hoại chính mình và đồng loại.

Độc giả hỏi: Chắc chắn là ông đã đúng khi khẳng định rằng thái độ căm ghét cái xấu của triết gia Carlyle không có lợi cho sự phát triển tốt nhất của bản thân ông ta. Vậy thì chúng ta nên giữ thái độ gì đối với những tệ nạn lớn trong thời đại ngày nay, chẳng hạn như chiến tranh, hối lộ, giết người, những hành vi đồi bại, trộm cắp, cùng những thứ tương tự? Chẳng phải chúng ta thường thấy một thực tế rằng trước khi bắt tay vào thực hiện công việc mang tính xây dựng, thì chúng ta cần phải phá bỏ hay dọn dẹp những đống rác cản đường hay sao?

Haanel đáp: Không, không phải như thế. Quá trình phá bỏ này là hoàn toàn không cần thiết. Chúng ta không cần phải vất vả đẩy bóng tối ra khỏi phòng rồi mới đón ánh sáng vào. Ngược lại, tất cả những gì chúng ta cần làm chỉ là bật đèn lên và thế là bóng tối sẽ biến mất.

Tương tự như vậy, chỉ cần chúng ta rút ra 1/10 trong 1% số tiền của và công sức đang được dùng cho các hoạt động phá hoại để chuyển sang dùng cho các hoạt động xây dựng, thì khi đó những tệ nạn lớn mà bạn vừa nhắc đến sẽ biến mất như có phép màu xảy ra vậy.

Đơn vị của quốc gia là cá nhân. Chính phủ chỉ đại diện cho trí tuệ trung bình của toàn bộ các đơn vị tạo nên quốc gia đó. Do vậy, công việc của chúng ta là công việc được thực hiện với đơn vị. Khi tư duy của cá nhân thay đổi, thì tư duy của tập thể sẽ tự động thay đổi theo. Vấn đề là, chúng ta lại đang cố gắng đảo ngược quá trình này.

Chúng ta tìm cách thay đổi chính phủ thay vì thay đổi cá nhân – đây là điều bất khả thi. Nhưng thông qua một nỗ lực có tổ chức và thông minh, thì chúng ta có thể dễ dàng thay đổi tư duy mang tính phá hoại như hiện nay trở thành tư duy mang tính xây dựng.

The Master Key System
WRITTEN BY

The Master Key System

Là những người yêu tri thức, chúng tôi muốn mang đến cho mọi người cơ hội tiếp cận với những trí tuệ vĩ đại. Làm giàu nhận thức của bản thân, kiến tạo cuộc sống thịnh vượng.

Để lại một bình luận