Giải mã Bài học thần kỳ số 1: Bắt đầu mọi thứ bằng sự hiểu biết

643
0

Phần mở đầu của bài học số 1 đã nói rằng: 

Nếu bạn muốn trở nên mạnh mẽ hơn? Hãy trau dồi ý thức về sự mạnh mẽ. Bạn muốn khoẻ mạnh hơn? hãy trau dồi ý thức về sức khỏe. Bạn muốn hạnh phúc hơn hãy trau dồi ý thức về hạnh phúc.

Hãy trau dồi ý thức của bạn, gia tăng sự hiểu biết của bản thân về thứ mà bạn đang tìm kiếm. Bất kể mong muốn của bạn là gì, trước tiên hãy thực sự hiểu rõ về thứ mà bạn muốn theo đuổi. Có một nhận thức đầy đủ về mục tiêu sẽ giúp bạn hình dung được con đường mà bạn sẽ đi, những thử thách mà bạn sẽ gặp phải.

Ngày nay, với sự bùng nổ của Internet, chúng ta có thể có mọi thông tin về những gì chúng ta muốn thực hiện. Từ việc trở thành công nhân trong các nhà máy đến việc xây dựng tàu vũ trụ lên sao hoả, từ việc kinh doanh kiếm tiền đến lối sống tỉnh thức,… Tri thức của nhân loại đã mở cửa cho tất cả mọi người thông qua chiếc điện thoại thông minh có kết nối với internet.

Ngay cả việc khám phá thế giới tinh thần và vũ trụ bao la cũng đã trở nên dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu trên internet. Chỉ cần bạn đặt đúng câu hỏi, câu trả lời sẽ có cho bạn. Hãy là người chủ động tìm kiếm – trau dồi ý thức của mình về mong muốn và mục tiêu của mình. Đừng chỉ là người tiêu thụ nội dung trên internet một cách thụ động bằng các dành ra hàng tiếng đồng hồ để xem cuộc sống của người khác.

Bài học số 1 trong 24 bài học thần kỳ cũng cho chúng ta biết rằng, bất cứ điều gì chúng ta mong muốn đều có thể đạt được. Tất cả sức mạnh để đạt được điều đó đều có sẵn bên trong chúng ta rồi, mọi nguyên liệu là sẵn có và bạn không cần phải tranh giành sức mạnh này với bất kỳ ai.

Bạn giống như người đầu bếp, trong khi cuộc đời của bạn là những món ăn, bạn phải học cách chế biến các nguyên liệu và kết hợp chúng lại với nhau để có những món ăn hợp khẩu vị. Ban đầu dù bạn có tìm hiểu kỹ càng tới đâu, được hướng dẫn đầy đủ thế nào, thì khi bắt tay vào chế biến cũng sẽ có những sai lầm và thất bại. Nhưng mỗi ngày bạn kiên trì nỗ lực hơn một chút, khi bạn đã trở nên thuần thục trong việc sử dụng các nguyên liệu, bạn sẽ thỏa sức sáng tạo ra những món ăn mà bạn thích.

Cuộc đời của chúng ta cũng vậy. Nhưng phần lớn chúng ta chế biến một cách cảm tính hoặc đẽo cày giữa đường. Món ăn chế biến hỏng có thể đổ đi làm lại, những cuộc đời thì chỉ có một. Chúng ta hãy học cách chế biến một cách cẩn thận. Như cách chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên Legend ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói:

Nhiều bạn trẻ, gia đình có điều kiện nên khi các bạn khởi nghiệp thất bại còn có khả năng làm lại. Nhưng 95% các bạn trẻ còn lại rất khó khăn, chỉ thất bại một lần sẽ kiệt quệ luôn, không đủ sức đứng dậy nữa. Nên phải thận trọng, tích lũy đủ nhiều rồi mới bắt đầu khởi nghiệp.

Trong phần mở đầu chúng ta cũng đã biết rằng, đất nước chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thời gian phát triển còn quá ít dẫn đến việc thiếu tích lũy cả cơ sở vật chất lẫn kinh nghiệm. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu theo kiểu “bình dân học vụ”, người biết một chữ chỉ dẫn cho người biết nửa chữ, người biết nửa chữ lại chỉ dẫn cho người chưa biết chữ.

Mục số 2 trong Bài học số 1 nói rằng:

Tâm trí có năng lực sáng tạo. Các hoàn cảnh, môi trường và tất cả các trải nghiệm trong cuộc sống đều là kết quả của thái độ quen thuộc, hay thái độ chiến vị trí chủ đạo trong tâm trí chúng ta.

Đừng đợi đến khi đứng trước những sai lầm hay thất bại, chúng ta mới hối hận về thái độ của mình trước những lời góp ý của mọi người trước đó. Dẫu biết rằng không phải lời góp ý nào cũng chân thành và hợp lý, những hẳn phải có điều gì đó chưa thỏa mãn đằng sau quyết định của bạn khiến người khác phải lên tiếng.

Đạo Phật nói về “tánh biết” luôn thường trực bên trong chúng ta, nhưng không phải khi nào nó cũng có cơ hội để hiện diện. Qua thời gian, kinh nghiệm sống của chúng ta trở thành cái Ngã(cái tôi) ngăn cản sự hiện diện của tánh biết. Những quyết định của chúng ta đôi khi bị chi phối bởi thông tin và cảm xúc mà chúng ta đã thu nhận trước đó.

Kinh Thánh nói về Đấng toàn năng luôn hiện diện khắp mọi nơi, mọi vật, mọi ngõ ngách trong tâm trí chúng ta. Cùng với lòng xót thương của một người Cha với các con của mình, Ngài đưa đến những anh chị em thiện lành để khuyên nhủ chúng ta. Rồi đưa đến những khó khăn thử thách nhỏ để chúng ta suy tính lại thật kỹ lưỡng. Nếu chúng ta cứ mù quáng, cố chấp bỏ qua những cảnh báo này thì thất bại là chuyện tất yếu.

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta là những kẻ ba phải, đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe, ai khuyên gì cũng nhận. Khi đó chúng ta trở thành bãi rác cho mọi người tới xả. Cách để chúng ta nhận ra đâu là ý kiến cá nhân và những lời khuyên chân thành là đừng tâm đắc hay phán xét bất kỳ một ai. Chỉ cần ghi nhận rằng có một người góp ý như vậy, phần còn lại hãy để cho tâm trí tự làm việc.

Mục số 6 trong Bài học số 1 nói rằng:

Bên trong chúng ta có một thế giới – một thế giới của ý nghĩ, cảm xúc và sức mạnh; thế giới của ánh sáng, sự sống và vẻ đẹp; tuy vô hình nhưng nhưng sức mạnh của chúng vô cùng to lớn.

Mục số 8 nói rằng:

Thế giới bên ngoài là sự phản ánh của thế giới bên trong. Những gì xuất hiện ở thế giới bên ngoài chính là những gì đã được tìm thấy ở bên trong. Ở thế giới bên trong chúng ta có thể tìm thấy Trí tuệ vô hạn, sức mạnh vô hạn, nguồn cung cấp vô hạn của tất cả những gì cần thiết – tất cả đang nằm trong đó chờ ngày được khai mở, phát triển và thể hiện. Nếu chúng ta nhận ra được những tiềm năng này ở thế giới bên trong khi đó chúng sẽ hiện hữu ở thế giới bên ngoài.

Nếu muốn khám phá sức mạnh của thế giới bên trong này, điều cấp thiết nhất là chúng ta phải trau dồi ý thức của mình về thế giới bên trong chúng ta. Nếu không có sự quan tâm đúng mức, không trau dồi sự hiểu biết của bản thân về thế giới bên trong, chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên vô giá mà Vũ trụ ban cho.

Mạnh tử đã nói:

Không tìm thì thôi, tìm sẽ được. Tìm như vậy có ích lợi vì tìm được, đó là tìm bên trong ta. Còn tìm không đúng cách mà kết quả tùy thuộc số mạng, tìm như thế thì vô ích vì tìm chẳng được, đó là tìm bên ngoài ta.

Vũ trụ vốn công bằng, bởi vì thế giới bên trong hoàn toàn do chúng ta làm chủ, chịu sự kiểm soát của của chúng ta. Tất cả mọi người đều có tiềm năng như nhau. Chúng ta phải tìm cách để khai thác thế giới bên trong này, không chỉ là ý nghĩ mà bao gồm cả sự tự tin, lòng dũng cảm, và tình yêu thương.

Tất cả các tôn giáo đều hướng con người đi vào bên trong, tìm thấy sức mạnh nơi chính bản thân mình. Nhưng phần lớn chúng ta bị mắc kẹt ở những lễ nghi, phong tục và giáo điều. Thay vì đi vào bên trong, chúng ta lại bám chấp vào các hình thức bên ngoài. Khiến cho hành trình đi vào bên trong trở nên chậm lại.

Chúng ta thường được hướng dẫn phải làm như thế này, phải sống như thế kia, không được làm như thế này, không được sống như thế kia. Khi thực hành đủ các khuyến cáo như vậy rồi trí tuệ vẫn không sinh khởi, mà chỉ thấy cuộc sống càng bị đè nặng bởi những giáo điều và luật lệ. Bởi vì đó chỉ là những hình thức bên ngoài. Giống như việc cắt tỉa uốn nắn cái cây bonsai cho nó trông kiểu cách và hợp ngữ cảnh vậy.

Đức Phật Thích Ca nói về Ngũ uẩn, về sắc – thọ – tưởng – hành – thức là các hình thức biểu hiện của thân và tâm. Phật nói về Tứ Diệu Đế là tiến trình của sinh mệnh. Phật nói về Bát Chánh Đạo là nói về con đường để đi vào bên trong, nói về Giới là để nhắc nhở mọi người canh phòng Tâm mình thông qua việc quan sát tiến trình sinh diệt của Ý. Từ đó đi đến Định, là sự chú tâm quan sát tiến trình này. Từ việc quan sát đó sẽ hiểu được(sinh trí tuệ) sự sinh khởi của ý – duyên dẫn đến sự sinh diệt của các pháp – các hình thức hiện hữu.

Tất cả đều chỉ để minh chứng rằng thế giới bên ngoài là biểu hiện của thế giới bên trong chúng ta. Một khi bạn ý thức được tầm quan trọng của thế giới bên trong, bạn sẽ trau dồi nhận thức của mình về nó, bạn sẽ đi đến hiểu biết về nó, và bạn sẽ biết cách để sử dụng nó.

Phải có ai đó nghĩ ra chiếc máy bay trước khi họ làm ra nó, phải có ai đó nghĩ ra một tòa cao ốc trước khi xây dựng nó. Mọi thứ đều được sinh ra hai lần, một lần bên trong tâm trí và một lần hiện hữu ở bên ngoài. Ý tưởng của chúng ta cũng như vậy.

Thượng đế – Đấng toàn năng đã mất tới 6 ngày để tạo ra khu vườn của mình, nhưng Ngài ấy đã dành phần đời còn lại để hoàn thiện nó, cho đến bây giờ thế giới vẫn hỗn độn và bất định. Vậy tại sao chúng ta lại muốn tạo mọi thứ ngay bây giờ? Từng bước một chúng ta sẽ khám phá thế giới bên trong mình, chuẩn bị mảnh vườn tâm trí thật kỹ lưỡng trước khi gieo hạt giống.

Xem thêm: Giải mã BÀI HỌC THẦN KỲ số 2: Kiến thức cơ bản về tâm trí

Duong Kiyosaki
WRITTEN BY

Duong Kiyosaki

Là một Speaker, công việc của tôi là truyền cảm hứng tới mọi người.

Để lại một bình luận