Trong bài viết Từ khởi nguyên của Vũ trụ đến khởi chí lập nghiệp, chúng ta đã bàn về “Tánh không” của Vũ trụ và vạn vật, bao gồm cả những nghiên cứu khoa học mới nhất của các nhà Vật lý lượng tử và những thông điệp từ các bậc đạo sư cổ xưa. Hôm nay, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau bàn về “Tánh biết” và “Tính toàn tri” của Vũ trụ toàn năng.
Tánh biết
Thay vì cố gắng sáng tạo ra những con tàu không gian vượt tốc độ ánh sáng để du hành đến tận cùng của Vũ trụ vật chất bao la với những dải ngân hà rộng lớn, chúng ta hãy đi vào tận cùng của các hạt nguyên tử – thứ cấu tạo nên thế giới vật chất này.
Hình ảnh lấy từ công bố khoa học trên trang tạp chí Nature.com ngày 14/8/3023 “Hình ảnh giao thoa kế của biên độ và pha của trạng thái biphoton không gian”.
b, Biên độ và cấu trúc pha được tái tạo của hình ảnh được in trên máy bơm chưa biết.
Đó có thể là biểu tượng vô cực(♾️), cũng là biểu tượng thái cực(-/+) mà các nhà hiền triết Phương Đông đã đề cập hàng ngàn năm trước. Bản thân bức ảnh về thí nghiệm này được thực hiện như cách đo biểu đồ điện tim, ghi lại mật độ rung động của “các hạt” theo thời gian tịnh tiến. Bản thân “các hạt” Proton, Neutron hay Electron khi quan sát ở cực điểm cũng chỉ là các chuyển động dạng sóng chứ không phải là các hạt vô cơ có hình dạng.
Thí nghiệm này đã cho thấy “tánh không” của các hạt nguyên tử cấu tạo nên thế giới vật chất hữu hình vốn là những vần vũ rung động ở mật độ cao tạo nên hình dạng mà những thí nghiệm trước đó không quan sát được.
Đồng thời thí nghiệm này cũng cho thấy “tánh biết” và lý giải cho thuyết duyên khởi. Rằng có một cái biết vi tế trong hạt Proton và Electron, nếu không thì chúng đã không tìm thấy nhau, cũng sẽ không tạo ra những rung động quanh nhau như vậy.
Có một tánh biết vi tế trong tinh trùng của người đàn ông, và noãn cầu của người phụ nữ. Có một tánh biết vi tế trong hạt giống khi tìm thấy điều kiện phù hợp để nảy mầm. Có một tánh biết vi tế bên trong hạt mầm khi tìm thấy ánh sáng để quang hợp. Có một tánh biết vi tế trong cái cây khi bị gãy cành – nó sẽ chảy mủ trong 1-2 ngày rồi sẽ tự khô lại mà không tiếp tục chảy mủ nơi vết thương ấy.
Những nhân + duyên ấy tìm đến nhau trong tự tánh của chúng và biết rằng đâu là đối tượng phù hợp để tạo nên hình thái mới. Tánh biết này hiện hữu trong vạn vật và được giới khoa học gọi là quy tắc Luật hấp dẫn. Như cổ nhân đã dạy:
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Trí tuệ từ đâu mà có?
Có thể bạn sẽ thắc mắc, rằng tất cả chúng ta đều cấu tạo từ hạt nguyên tử và nuôi dưỡng bởi Vũ trụ toàn năng – đều sở hữu những phẩm chất thần thánh ấy, nhưng tại sao có người thông minh, kẻ u tối? Mỗi người có một nhận thức riêng từ đó tạo nên những số phận khác nhau như vậy?
Vũ trụ nguyên thủy vốn xuất phát như vậy, trải qua hàng triệu tỷ năm hình thành, có vô vàn duyên khởi liên tục sinh – diện – biến – diệt, tạo ra những giống loài khác nhau, với các hình dạng và sắc thái khác nhau. Con người cũng không ngoại lệ, “Tự tánh – Tánh biết” ấy cũng trải qua những thăng trầm và sự tiến hoá của riêng nó.
Có một Thiền sinh đã hỏi Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Ta là ai?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trả lời rằng: Ta được tạo nên bởi những cái không phải ta.
Thân thể này được tạo bởi ý chí của cha mẹ, được nuôi dưỡng bởi thức ăn, nước và không khí,… tất cả đó đều là những thứ không phải ta. Nhận thức này cũng được tạo nên bởi giáo dục, phong tục, tập quán, văn hóa, xã hội và cộng đồng,… đó cũng đều là những thứ không phải ta.
Nếu chúng ta sinh ra trong một gia đình có truyền thống tin theo Thiên Chúa, chúng ta sẽ có xu hướng thờ phượng Thiên Chúa. Mặc dù đôi khi chúng ta chỉ biết về Thiên Chúa qua những lời chỉ dẫn từ gia đình và các Linh mục ở nhà thờ.
Nếu chúng ta sinh ra trong một gia đình có truyền thống tin theo Đạo Phật, chúng ta sẽ có xu hướng ăn chay và tin theo Phật. Mặc dù có thể chúng ta không hiểu về Con đường của Phật. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi truyền thống gia đình, bởi phong tục tập quán từ cộng đồng xung quanh chúng ta.
Thuyết tiến hóa của Charles Darwin có thể không đúng, nhưng khoa học về ADN thì chắc chắn không sai. ADN là phân tử mang thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống của các sinh vật. Đó là bằng chứng khoa học nhất chứng minh rằng chúng ta mang thông tin di truyền của tổ tiên chúng ta. Trong những thông tin di truyền ấy mang những phẩm chất và đặc tính khác nhau. Đó là lý do có những người Da Trắng, có chủng người da đen, có chủng người da vàng,…
Chính những đặc tính di truyền của các phần tử ADN này sẽ phát triển thành những đặc điểm khác nhau trong những môi trường khác nhau như nguồn nước, thức ăn, khoáng vật, không khí,… Tạo ra những tạng người, với khả năng hấp thu và đào thải khác nhau.
“Cái ta” thực sự không gì khác chính là Tánh Không và Tánh Biết. Tánh Không này toàn hiện trong mọi tạo vật, và Tánh Biết này toàn tri trong mọi tạo vật. Vì thế, “Cái ta” này có cùng phẩm chất với Đấng toàn năng. Cái ta này – tánh biết này chính là linh hồn – là lương tâm mà chúng ta vẫn nhắc đến. Đó là bản thể chân như của mỗi người.
Trong mục 16,17 thư bàn giao Tuần 18 của cuốn sách The Master Key System – 24 Bài Học Thần Kỳ Nhất Thế Giới nói rằng:
Khi bạn đã nhận thức được một cách kỹ lưỡng thực tế rằng tâm trí là nguyên tắc sáng tạo duy nhất, rằng nó là cái Toàn năng, Toàn tri và Toàn hiện, và rằng bạn có thể hòa hợp một cách có ý thức với Đấng Toàn năng này thông qua sức mạnh tư tưởng của mình, lúc này bạn đã tiến được một bước dài theo đúng hướng rồi đấy.
Bước tiếp theo là đặt bản thân vào vị trí có thể tiếp nhận được sức mạnh này. Bởi nó là cái Toàn hiện, nên nó phải ở trong bạn. Chúng ta biết điều này là như vậy bởi chúng ta biết rằng tất cả sức mạnh đều xuất phát từ bên trong, nhưng sức mạnh bên trong này cần phải được phát triển, khai mở, và trau dồi. Để làm được điều đó, chúng ta phải kiến tạo tâm thế tiếp thu, và cách xây dựng thái độ tiếp thu này cũng giống như cách tăng cường sức khỏe thể chất – đó là thông qua quá trình luyện tập.
Điều đó có nghĩa là: Trí tuệ của vạn vật vốn sẵn có trong mỗi sinh mệnh rồi. Chúng ta chỉ phải học cách để sử dụng nó cho những mục đích của mình.